thuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanthuc tap dai loanđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUđăng ký tuyển sinh trực tuyến-PDUthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israelthuc tap sinh israel

Khoa học - Công nghệ

(Cập nhật ngày: 14/2/2017)
 
Ảnh minh họa

Chương Môi trường là Chương thứ 20 của Hiệp định TPP bao gồm 23 Điều khoản và 02 Phụ lục. Trong mỗi Điều khoản được chia thành nhiều đoạn văn đề cập tới các vấn đề liên quan tới nhiều cam kết, nghĩa vụ cụ thể với mức độ cam kết khác nhau. Mục tiêu của Chương Môi trường là thúc đẩy sự tương hỗ lẫn nhau giữa các chính sách về thương mại và môi trường và hướng tới việc tăng cường bảo vệ môi trường ở mức độ cao thông qua thực thi hiệu quả luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Chương môi trường cũng hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực của các Bên để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại thông qua các giải pháp, trong đó có cả giải pháp mang tính hợp tác.

Các cam kết và nghĩa vụ về môi trường của Hiệp định TPP có thể chia thành 05 nhóm, bao gồm: (1) Chính sách và các quy định pháp luật môi trường trong nước; (2) Cam kết quốc tế về môi trường;(3) Công khai, minh bạch; (4) Nghĩa vụ đối với một số lĩnh vực cụ thể về môi trường; và (5) Cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp.


Nhóm 1.Chính sách và các quy định pháp luật môi trường trong nước

Các nghĩa vụ bao gồm việc đảm bảo đầy đủ luật pháp và chính sách môi trường, khuyến khích việc bảo vệ môi trường ở mức cao và tiếp tục nâng cao các mức độ bảo vệ môi trường; thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình mà không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các Bên; không được làm giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các đạo luật và quy định môi trường của mình nhằm khuyến khích thương mại hay đầu tư giữa các Bên. Cụ thể:

- Đảm bảo hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đầy đủ theo tiêu chuẩn cao (theo định nghĩa về luật môi trường của Chương này) và các quy định về bảo vệ môi trường;      

- Đảm bảo việc tuân thủ nghiêm túc và thực thi hiệu quả luật và các quy định về bảo vệ môi trường;

- Đảm bảo không làm giảm/suy yếu hiệu lực của pháp luật để nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư.

 

Nhóm 2. Cam kết quốc tế về môi trường

Các cam kết quốc tế về môi trường mà các quốc gia thành viên tham gia đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường quốc gia và toàn cầu. Việc đảm bảo thực thi tốt các cam kết quốc tế về môi trường là rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu về môi trường trong Hiệp địnhTPP. Theo đó, mỗi Bên khẳng định cam kết của mình để thực hiện các thỏa thuận môi trường đa phương mà Bên đó là thành viên.

Hiệp định TPP, tập trung vào nội dung thực thi 03 điều ước quốc tế về môi trường là Nghị định thư về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn (Nghị định thư Montreal), Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước Marpol) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước Cites). Cụ thể, đối với 3 Hiệp định Montreal, Marpol và Cites, các Bên phải:

- Đảm bảo các biện pháp kiểm soát sản xuất, tiêu thụ và thương mại các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; đảm bảo biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển từ tàu biển; đảm bảo duy trì và thực hiện luật và các quy định, hoặc các biện pháp nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ chống thương mại bất hợp pháp các loài động thực vật hoang dã đang có nguy cơ bị đe dọa;

- Tuân thủ các quy định trong nước về các biện pháp kiểm soát các chất này theo Phụ lục 20-A; tuân thủ các quy định trong nước về các biện pháp chống ô nhiễm môi trường biển từ tàu biển theo Phụ lục 20-B; tăng cường các biện pháp bảo vệ và bảo tồn, chống lại việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã;

- Đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ trong tương lai của 3 Hiệp định Montreal, Marpol và Cites. 

 

Nhóm 3. Công khai, minh bạch

Các nghĩa vụ có tính minh bạch hay liên quan đến vấn đề tính minh bạch là nội dung mới trong TPP khác với các FTA khác. Nội dung này không được quy định thành một điều riêng biệt mà nằm rải rác, xen kẽ với các nghĩa vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau trong Chương Môi trường của Hiệp định TPP. Nói chung, các nước thành viên TPP, đặc biệt là các thành viên thuộc nhóm nước phát triển thường đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi cao về vấn đề này. Nghĩa vụ liên quan đến công khai, minh bạch tập trung vào 02 nhóm nội dung sau:

a. Công khai, minh bạch thông tin liên quan đến việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường         

Các nghĩa vụ công khai, minh bạch yêu cầu công khai các thông tin liên quan đến thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường của quốc gia, đồng thời yêu cầu tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân trong quá trình thực thi Chương Môi trường và trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Các Bên phải đảm bảo:

+ Công khai, minh bạch thông tin thực thi pháp luật của quốc gia:

- Thông tin đầy đủ, công khai cho cộng đồng về luật và các quy định về môi trường cũng như các vấn đề về thực thi và tuân thủ;

- Xây dựng quy trình cụ thể về tiếp nhận, phản hồi và giải quyết các đơn thư, yêu cầu và khiếu nại của công chúng liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về môi trường;

- Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin xét xử và quá trình tố tụng của người có tư cách pháp nhân;

- Đảm bảo thiết lập các cơ chế xử lý, xử phạt/trừng phạt các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường;

- Thiết lập hệ thống tố tụng và xét xử công bằng, khách quan, minh bạch các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường;

- Đảm bảo công khai thông tin về các quy trình tuân thủ và cưỡng chế liên quan đến bảo vệ môi trường; công khai khi xét xử các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

+ Tăng cường sự tham gia, tham vấn cộng đồng trong giám sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của quốc gia:

- Đảm bảo việc tham gia và tham vấn cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp liên quan đến việc bảo vệ tầng ô-zôn, phòng ngừa ô nhiễm biển từ tàu, chống buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã xuyên biên giới;

- Đáp ứng yêu cầu của cộng đồng về thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương Môi trường;

- Đảm bảo việc tăng cường hợp tác và tham vấn với các tổ chức phi chính phủ liên quan để thúc đẩy thực thi các biện pháp nhằm đấu tranh chống khai thác trái phép và mua bán trái phép động, thực vật hoang dã.

b. Hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các bên trong một số lĩnh vực cụ thể

Nghĩa vụ về hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin trong một số lĩnh vực cụ thể đối với những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đôi khi mang tính nhạy cảm về chính trị hay xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia thành viên như Việt Nam trong thực thi cam kết.

Nghĩa vụ cụ thể về hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bao gồm:

- Hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các bên về hoạt động liên quan đến việc thực thi các nghĩa vụ về bảo tồn, đánh bắt thủy sản;

- Hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm; công khai các chương trình và hoạt động, bao gồm cả các chương trình hợp tác liên quan đến việc bảo vệ tầng ô-zôn chống ô nhiễm biển từ tàu, chống buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã xuyên biên giới;

- Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về chống khai thác trái phép và buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã;

- Tham gia thực thi các hoạt động chung về bảo tồn ở phạm vi khu vực và quốc tế.

 

Nhóm 4. Nghĩa vụ đối với một số lĩnh vực cụ thể về môi trường

Trong Chương Môi trường, đây là những vấn đề có sự quan tâm lớn hơn của một số nước thành viên phát triển, tiêu biểu là Hoa Kỳ. Những vấn đề được các nước như Hoa Kỳ đưa vào nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của các tổ chức chính trị - xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ, và các bên liên quan trong việc tăng cường mối quan tâm về môi trường và phát triển bền vững trong các hoạt động buôn bán và thương mại quốc tế.

Trong thực tế, đây là những vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, đặc biệt với một số quốc gia thành viên đang phát triển trong đó có Việt Nam. Đối với những thànhviên đang phát triển, để đáp ứng những nghĩa vụ, tiêu chuẩn cao ở một số lĩnh vực do các quốc gia thành viên phát triển, cụ thể là Hoa Kỳ đưa ra, những quốc gia này cần phải nỗ lực rất lớn trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực và công nghệ. Những lĩnh vực cụ thể liên quan được đề cập trong Chương Môi trường bao gồm:

Thương mại và đánh bắt hải sản, đây là một trong số các nội dung phức tạp nhất của Chương Môi trường. Các nội dung liên quan đến đánh bắt hải sản có tính ràng buộc cao, có nhiều khả năng dẫn đến phát sinh tranh chấp và phải sử dụng đến Cơ chế tham vấn/giải quyết tranh chấp của Hiệp định. Đối với Việt Nam, đây là thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề năng lực và nguồn lực và có liên quan trực tiếp đến vấn đề kinh tế và an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh. Đối với nghĩa vụ liên quan đến đánh bắt hải sản, các Bên phải: 

- Thiết lập và vận hành một hệ thống quản lý nghề cá (thủy sản) nhằm ngăn ngừa đánh bắt quá mức và quá cường lực, giảm đánh bắt ngẫu nhiên các loài không phải mục tiêu và chưa trưởng thành, thúc đẩy phục hồi các loài bị đánh bắt quá mức;

- Tăng cường bảo tồn các loài cá mập, rùa biển, chim biển, động vật có vú bằng các biện pháp hiệu quả;

- Chấm dứt các loại trợ cấp thủy sản có tác động tiêu cực tới các đàn cá đang trong tình trạng bị khai thác quá mức;

- Thời gian chuyển đổi để chấm dứt hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm riêng đối với Việt Nam là 03 năm (nếu Việt Nam có yêu cầu);

- Hạn chế giới thiệu các loại trợ cấp mới ngoài các trợ cấp đã bị cấp;

- Rà soát, báo cáo kết quả dừng cung cấp trợ cấp bị cấm tại các cuộc họp của Tiểu ban môi trường;

- Thông báo (báo cáo) với các Bên về các loại trợ cấp nằm trong phạm vi của Điều 1.1 của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng (SCM), được quy định cụ thể trong Điều 2 của SCM;

- Cung cấp các thông tin về trợ cấp được yêu cầu tại Điều 25.3 của Hiệp định SCM;

- Cung cấp các thông tin về trợ cấp ngoài các loại trợ cấp bị cấm;

- Tham gia các hoạt động hợp tác chống lại hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và để ngăn chặn thương mại các sản phẩm thu hoạch từ những hoạt động này.

Thương mại và bảo tồn, đây là nội dung được xem như mục tiêu cốt lõi của Chương Môi trường mà nhóm các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ muốn đạt tới. Nội dung thương mại và bảo tồn tập trung vào các nghĩa vụ thuộc Công ước Cites, minh bạch hóa các thông tin về các hoạt động bảo tồn và về việc tuân thủ các cam kết của Công ước Cites về chống buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã đang có nguy cơ đe dọa. Các nghĩa vụ này có tính ràng buộc cao và chặt chẽ, đồng thời đều có khả năng lớn phải sử dụng đến Cơ chế tham vấn/giải quyết tranh chấp. Đối với Việt Nam, tương tự như nội dung Đánh bắt hải sản, các nghĩa vụ liên quan đến bảo tồn cũng là thách thức rất lớn liên quan đến năng lực và nguồn lực thực hiện. Đối với nghĩa vụ liên quan đến bảo tồn, các Bên phải: 

- Tăng cường hoạt động bảo tồn, chống khai thác và thương mại bất hợp pháp động, thực vật hoang dã xuyên biên giới;

- Tham gia các hoạt động hợp tác về bảo tồn; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; các hoạt động chung ở khu vực và quốc tế; thực hiện các nghị quyết của Cites;

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ và bảo tồn động, thực vật hoang dã;

- Tăng cường quản lý bền vững rừng, bảo tồn loài động thực vật hoang dã; tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nhằm chống lại việc khai thác và thương mại bất hợp pháp động thực vật hoang dã.

Ngoài các nội dung có tính ràng buộc cao ở trên, nhóm này còn có một số nội dung và nghĩa vụ ràng buộc ở mức trung bình và thấp, cụ thể về:

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), đây là nội dung khá phổ biến trong các FTA thế hệ mới. Tuy vậy, nội dung này không mang tính ràng buộc cao, chủ yếu là mang tính khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện/áp dụng các nguyên tắc về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Các cơ chế tự nguyện liên quan đến môi trường, đây là nội dung mới, chưa có trong các FTA trước đây. Mục đích là khuyến khích việc áp dụng một các tự nguyện các cơ chế (bất kỳ cơ chế nào) có thể đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, một số cơ chế có thể áp dụng hiện nay là: cơ chế kiểm toán; báo cáo; thưởng hay ưu đãi; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đối tác công tư,…

Đa dạng sinh học, các nghĩa vụ liên quan đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học thường tương đối cao trong các FTA thế hệ mới. Đối với Hiệp định TPP, các nghĩa vụ này thậm chí có tính ràng buộc cao hơn so với các Hiệp định khác như Hiệp định EVFTA. Nội dung chính bao gồm việc cam kết bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên sinh học, đặc biệt nội dung về nhận thức của các bên về chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận và sử dụng nguồn gen.

Sinh vật ngoại lai xâm lấn, vấn đề này trong Chương Môi trường không mang tính ràng buộc cao nội dung chủ yếu là nhận thức và khuyến nghị nhằm kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn thông qua hợp tác và điều phối (giữa hai Tiểu ban Môi trường và Tiểu ban về Vệ sinh dịch tễ) chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để ngăn ngừa kiểm soát nguy cơ này.

Chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải và có sức chống chịu, nội dung này tập trung chủ yếu vào việc nâng cao nhận thức và khích lệ sự hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu, cụ thể là hiệu quả năng lượng; phát triển các công nghệ và giải pháp chi phí thấp, ít phát thải, các nguồn năng lượng sạch và nguồn năng lượng tái tạo; giao thông bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị bền vững; giải quyết nạn phá rừng và suy thoái rừng; quan trắc phát thải; các cơ chế thị trường và phi thị trường; phát triển ít phát thải và có sức chống chịu cũng như chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề này.

Hàng hóa và dịch vụ môi trường, các nội dung liên quan đến hàng hóa và dịch vụ môi trường không mang tính ràng buộc cao, chủ yếu là nâng cao nhận thức và khuyến khích tăng cường thương mại và đầu tư hàng hóa và dịch vụ môi trường. Thực tế hiện nay vẫn chưa có một danh mục chính thức các loại hàng hóa và dịch vụ môi trường được tất cả các nước thừa nhận. Nội dung này chỉ bao gồm các khuyến nghị, do đó không có nhiều khả năng là phải dùng đến cơ chế tham vấn, giải quyết của Chương Môi trường.

 

Nhóm 5. Cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp

Cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp thường được áp dụng trong các FTA nói chung và Hiệp định TPP nói riêng. Cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp dùng để giải quyết các tranh chấp thương mại hoặc các vấn đề phát sinh giữa các thành viên của một Hiệp định. Mỗi tổ chức thương mại có một cơ chế tham vấn và giải quyết tranh chấp riêng với một quy trình cụ thể và mức độ chi tiết và phức tạp riêng.

Đối với Hiệp định TPP, việc giải quyết tranh chấp thương mại hoặc vấn đề phát sinh liên quan đến môi trường giữa các nước thành viên được thực hiện thông qua hai cơ chế riêng, gồm cơ chế tham vấn và cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định (có sử dụng hội đồng trọng tài hoặc tòa án quốc tế).

Các nghĩa vụ cụ thể trong Hiệp định TPP khi xảy ra tranh chấp hoặc phát sinh các vấn đề về thương mại liên quan đến môi trường như sau:

- Đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ khi có yêu cầu nếu xảy ra tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường;

- Đảm bảo sự tham gia của bên liên quan thứ ba (có liên quan) trong quá trình tham vấn, giải quyết tranh chấp;

- Đảm bảo thời hạn tham vấn (trong vòng 30 ngày) kể từ ngày nhận được yêu cầu;

- Đảm bảo giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp (phát sinh) bằng mọi hình thức (kể cả hợp tác);

- Giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp (thành lập hội đồng trọng tài) nếu quá trình tham vấn thất bại;

- Đảm bảo tham vấn thông qua cơ chế tham vấn của Cites đối với những nội dung liên quan đến bảo tồn, chống buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Quy trình tham vấn, giải quyết tranh chấp của Chương Môi trường của Hiệp định TPP được tóm tắt như sau:

Bước 1. Có yêu cầu tham vấn về vấn đề môi trường của một Bên hoặc nhiều Bên trong TPP. Các bên giải quyết vấn đề thông qua các giải pháp hợp tác hay thỏa hiệp.

Bước 2. Tham vấn ở cấp cán bộ cao cấp (nếu việc giải quyết vấn đề phát sinh thông qua các giải pháp hợp tác hay thỏa hiệp không thành công).

Bước 3. Tham vấn ở cấp Bộ trưởng (nếu việc tham vấn ở cấp cán bộ cao cấp không thành công).

Bước 4. Áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp chung của Hiệp định TPP có áp dụng trừng phạt và trả đũa về thương mại (nếu việc tham vấn ở cấp Bộ trưởng không thành công).

Để có thể sử dụng Bước 4, các nước tham gia giải quyết tranh chấp buộc phải tiến hành việc tham vấn thông qua các Bước 1, 2 và 3.

Trong quá trình thực thi các nghĩa vụ của các nước thành viên, tất cả các nước đều phải nỗ lực để tránh việc phải sử dụng cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp để giải quyết các vấn đề hoặc các tranh chấp thương mại phát sinh trong quá trình thực hiện. Nếu trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại thì các nước cũng sẽ nỗ lực giải quyết ở mức tham vấn nhằm tìm ra các giải pháp mang tính hợp tác hoặc thỏa hiệp để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, trong thực tế đã có những trường hợp phải sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp do không thể thương lượng hoặc đàm phán không thành công. Đây là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý và tốn kém về nguồn lực, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ chính trị và ngoại giao giữa các nước thành viên. Ngoài ra cũng cần chú ý rằng cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp trong một số trường hợp lại là công cụ nước ngoài sử dụng để can thiệp sâu vào vấn đề nội bộ khác của Việt Nam hoặc sử dụng làm công cụ để gây áp lực hoặc tạo ra những bất lợi để buộc Việt Nam phải điều chỉnh chính sách hay pháp luật theo ý đồ và hướng có lợi cho đối tác.

Đối với Việt Nam, là một quốc gia đang phát triển, với điều kiện hạn chế về kinh tế, nguồn lực và kinh nghiệm, việc buộc phải tham gia vào quá trình tham vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến môi trường là cần phải hết sức tránh. Tuy nhiên, việc tránh phải sử dụng đến cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp lại phụ thuộc đến một số yếu tố liên quan đến năng lực và nguồn lực cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình thực thi.

Theo Bộ tài nguyên và môi trường (www.monre.gov.vn)



banner cnsh 15
TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - KHOA CÔNG NGHỆ SINH HỌC VÀ MÔI TRƯỜNG
Địa chỉ: Phòng 210, Số 171 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại
: Điện thoại: 04-3784-8517 (máy lẻ 210, 213) | Fax: 04-3784-8512
Thống kê truy cập
Số người trực tuyến: 1
Số người đã truy cập: 2049991